Trước thềm năm học
mới 2016 - 2017, chiều 4-9, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin
về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho năm học mới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ
trì họp báo. Hơn 70 cơ quan báo chí đã tham dự họp báo.
Năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục sẽ tập trung tăng cường kỷ
cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo
dục, đào tạo: Giáo dục mầm non chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục
trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; giáo dục phổ thông chú trọng
giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối
với xã hội, cộng đồng, khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm sai quy định;
giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng đào
tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và gắn với nhu
cầu thị trường lao động.
Với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 giải pháp được đặt ra cụ thể, năm
học 2016 - 2017 sẽ là một năm bản lề để đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa đổi mới
căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực
tiếp trả lời phóng viên nhiều vấn đề “nóng”
Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi của phóng viên đã được đặt ra
cho lãnh đạo Bộ, trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề như: Những giải pháp
nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phương án thi THPT và xét tuyển đại
học, cao đẳng năm 2017; những vấn đề xung quanh nội dung thông tư 30 sửa đổi,
bổ sung; mô hình VNEN; lộ trình đổi mới sách giáo khoa; quan điểm của Bộ về dạy
thêm học thêm; vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao, hướng khắc phục tình
trạng sinh viên ra trường thất nghiệp; giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ
giáo viên và quản lý giáo dục; vấn đề lồng ghép dạy 2 ngoại ngữ tại một số
trường; thời gian nghỉ hè của học sinh.
Với từng vấn đề và nhóm vấn đề báo chí nêu, Bộ trưởng Phùng Xuân
Nhạ đã có những trả lời cụ thể.

Về
phương án thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017
Bộ trưởng khẳng định, sẽ không có phương án
mới nào cho năm 2017 mà trên cơ sở hoàn thiện, bổ sung phương án đã ưu việt của
năm 2016.
Ví dụ về tổ chức thi có 2 cụm là cụm địa
phương và cụm các trường đại học. Quá trình triển khai cho thấy các địa phương
có thể tổ chức được thì năm nay chỉ thực hiện một cụm, về bản chất là vẫn vậy
nhưng gọn nhẹ, thiết thực hơn.
Đề thi năm ngoái được đánh giá là tốt và
nghiêm túc, tuy nhiên dư luận vẫn băn khoăn là thí sinh có thể học lệch, học
tủ. Năm nay, Bộ cải tiến để mở rộng toàn diện, tránh học lệch học tủ bằng việc
áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức
bao quát.
Đề thi nghị luận năm ngoái dư luận băn khoăn
vẫn có thể nhìn bài nhau trong phòng thi hay việc chấm thi vẫn có độ “du di”
khác nhau… Năm nay đã có công nghệ thông tin và áp dụng phương án thi tổng hợp
trắc nghiệm các nhóm thi khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn.
Đối với xét tuyển, năm 2017, Bộ sẽ tăng cường
kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng để từ đó kiểm tra giám sát chỉ tiêu,
tránh tình trạng vẫn còn một sốtrường có chỉ tiêu cao hơn năng lực thực tế. Bộ
cũng sẽ tăng cường hỗ trợ thông tin trong định hướng chọn nghề. Đơn cử hiện nay
có nhiều ngành truyền thống của nhà trường nhưng thị trường lao động không cần
thì nhà trường cần điều chỉnh.
Về
vấn đề xung quanh nội dung thông tư 30 sửa đổi, bổ sung và mô hình VNEN
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định,
đều có tinh thần tốt nhưng quá trình thực hiện chưa tính toán hết để có những
bước đi phù hợp. Bộ GD&ĐT đã rút kinh nghiệm và đang có những điều chỉnh,
bổ sung cho phù hợp. Đồng thời có sự chuẩn bị về con người, cơ sở vật chất
trường lớp đáp ứng nhu cầu thực hiện đổi mới và triển khai các mô hình mới.
Về câu hỏi việc đổi mới đánh giá theo các bậc
A, B, C, D trong nội dung dự thảo Thông tư 30 sửa đổi, bổ sung, Bộ trưởng nhấn
mạnh: “Về nội hàm đánh giá học sinh theo A, B, C, D là hoàn toàn khác với chấm
điểm. Đây là sự lượng hóa đánh giá về sự tiến bộ của học sinh theo từng mức, từ
đó thầy cô có biện pháp phù hợp để cải thiện sự tiến bộ cho học sinh”.
Nhiều
vấn đề khác đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trực tiếp trả lời
Về chất lượng giáo dục, Bộ trưởng chia sẻ,
làm giáo dục cũng như xây nhà, vừa làm sao đổi mới được căn bản toàn diện lại
vừa sửa chữa và duy trì. Vì thế ngành giáo dục sẽ lắng nghe, tích cực phân
tích, tìm tòi, trải nghiệm.
Theo Bộ trưởng, báo động nhất hiện nay là
giáo dục nghề nghiệp và chất lượng đại học. Bộ cũng đã có các giải pháp nhằm
cải thiện như đẩy mạnh kiểm định chất lượng đại học, áp dụng các tiêu chuẩn
quốc tế trong kiểm định; đổi mới chương trình theo hướng tăng cường ứng dụng,
bám sát nhu cầu thị trường lao động; đẩy mạnh tự chủ đại học; khuyến khích các
trường có biện pháp gắn kết với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, tạo
ra chuỗi cung ứng.
Về chương trình sách giáo khoa mới, Bộ trưởng
nhấn mạnh, Bộ xác định chậm nhưng chậm để bền vững, để triển khai chắc chắn và
theo hướng tiếp cận mới. Năm 2017, việc đổi mới chương trình sách giáo khoa sẽ
được đẩy mạnh. Ngay trong năm học này, Bộ đã chỉ đạo các vụ, cục, đơn vị liên quan
tiếp tục rà soát nhằm cắt giảm chương trình phổ thông theo hướng giảm tải mạnh.
Một số vấn đề khác như quy định cấm dậy thêm
học thêm, giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo
dục; công tác phân cấp quản lý giáo dục, đào tạo; thời gian nghỉ hè của học
sinh đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho ý kiến cụ thể tại họp báo.
Cũng tại họp báo, các Thứ trưởng và đại diện
lãnh đạo một số Vụ chức năng của Bộ đã có ý kiến để làm rõ thêm các câu hỏi của
phóng viên báo chí.
Trung
tâm Truyền thông Giáo dục